Người Mông trong phố

Người Mông trong phố

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cuoc-phieu-luu-cua-nguoi-mong-trong-pho-3631259.html

Nhìn tiêu đề của bài báo này, mình đã thấy hơi là lạ. Đọc xong bài thì mình không còn cảm thấy lạ, mà khó chịu. Bài báo rất hay, nội dung rất truyền cảm và đem lại thông tin hữu ích. Tuy nhiên cách hành văn của bài báo giống như được dịch lại một cách ngô nghê từ tiếng Anh, hoặc là người viết là Việt kiều chưa nắm rõ tiếng Việt.

Nhưng bài báo này chắc chắn không phải là bài dịch, và người viết có vẻ cũng không phải là Việt kiều chưa sõi tiếng Việt. Hơn nữa bài báo hẳn đã phải được biên tập rồi mới được đăng. Rất nhiều người đọc hưởng ứng, khen ngợi bài, không một ai chú ý tới cách viết lạ lùng ấy. Vậy là vấn đề đã được dần bình thường hóa.

Ví dụ đoạn này:

‘“Em đang đứng cạnh một cái xe màu vàng” – Chống đứng giữa dòng người tuôn chảy ở bến xe Mỹ Đình, miêu tả qua điện thoại cho anh Cường đến đón. 

Bằng một nỗ lực nào đó, anh Cường tìm được “cái xe màu vàng” và đón được Chống.

“miêu tả qua điện thoại cho anh Cường đến đón” á?  “Bằng một nỗ lực nào đó” á? Mình thật sự muốn đập đầu vào tường khi đọc những câu văn do một nhà báo viết ra như thế này.  Bất cứ người nào yêu tiếng Việt cũng có thể sửa lại câu này một cách dễ dàng: “Không hiểu bằng cách nào nhưng cuối cùng anh Cường cũng tìm được “cái xe màu vàng” ấy để đón Chống“.  Cả tiêu đề bài cũng thế, “Người Mông trong phố” nghe vẫn đủ ý trong khi hay và thuận hơn nhiều so với “Cuộc phiêu lưu của người Mông trong phố“. Nhắc đến cái này lại làm mình nhớ tới “Lord of the Rings” được dịch thành “Chúa tể của những chiếc nhẫn” . Người dịch đã rất “cẩn thận” không quên “of” là “của” và nhẫn phải là số nhiều nên thêm “những“. Một học giả nào đó mà mình quên tên gợi ý một cách đặt tên hay (và thông minh) hơn nhiều là “Chúa nhẫn“.

Mình nghĩ người viết bài báo này đã đọc rất nhiều sách tiếng Anh, đặc biệt là báo tiếng Anh. Bởi cách viết bài thật sự giống hệt, phải nói là giống y hệt như cách viết của những bài phóng sự báo chí tiếng Anh mà mình thường đọc trên New York Times hay The New Yorker. Cách dẫn chuyện y hệt, cách miêu tả y hệt, cách đặt câu y hệt. Giống đến nỗi mà khi đọc, trong đầu mình hiện ngay lên câu tiếng Anh tương tự. Tiêu đề của bài viết chẳng hạn gợi ngay đến kiểu tựa đề “The adventure of…” có lẽ đã được sử dụng đến hàng nghìn lần trong văn học, phim ảnh hay báo chí tiếng Anh.

Mình nghĩ đây là một vấn đề cần phải tránh. Mình đã từng thấy những đoạn văn viết ngô nghê bởi câu chữ thì là Việt nhưng các diễn đạt thì theo kiểu tiếng Anh. Nhưng đó thường là trong những bài báo hoặc sách được dịch từ tiếng Anh, và người dịch không giỏi lắm. Còn đây là một đoạn văn nguyên bản, không dịch từ đâu ra cả.

Tuy nhiên, cũng có một điều an ủi là kiểu nói tiếng Anh này vẫn chưa động được tới cách nói hàng ngày của người Việt. Nhưng chắc cũng chả còn lâu nữa, bởi bây giờ, văn phong trên truyền hình cũng đã bị ảnh hưởng bởi cách nói này.

Leave a Reply

Your email address will not be published.