Giới tính thứ hai – Lời tựa

Giới tính thứ hai – Lời tựa

“Cái tốt tạo ra trật tự, ánh sáng và đàn ông; và cái xấu tạo ra hỗn loạn, tăm tối và đàn bà”.

Py-ta-go

“Tất cả những gì mà đàn ông viết về phụ nữ đều đáng bị nghi ngờ, bởi họ vừa là người phán xử, vừa là bên tham gia”.

Poulain de la Barre

Lời tựa

Tôi đã lưỡng lự rất lâu trước khi quyết định viết một cuốn sách về phụ nữ. Đây là một chủ đề khó chịu, nhất là đối với phụ nữ, và nó cũng không mới.

Tranh luận về nữ quyền đã làm tốn khá nhiều giấy mực, đến nay người ta không còn muốn nói về vấn đề này nữa. Vậy mà vẫn còn bàn tán. Có thể thấy rằng hàng đống những thứ ngớ ngẩn được tuôn ra trong vòng một trăm năm trở lại đây không làm sáng tỏ thêm vấn đề là mấy. Ngoài ra liệu có vấn đề gì không? Đó là vấn đề nào? Thậm chí có tồn tại phụ nữ hay không? Đúng là vẫn có nhiều người tin vào lý thuyết nữ tính vĩnh hằng; họ bảo nhau rằng: “Ngay cả ở Nga, phụ nữ vẫn là phụ nữ”; nhưng những người có hiểu biết hơn – đôi khi cũng vẫn chính là những người đó – thì than thở: “Phụ nữ đang đánh mất mình, phụ nữ đang lạc lối”. Giờ đây khó có thể biết liệu phụ nữ còn tồn tại hay không, liệu phụ nữ còn tồn tại mãi không, liệu phụ nữ có nên tồn tại hay không, phụ nữ đang có chỗ đứng nào trong thế giới này, và phụ nữ nên có chỗ đứng như thế nào trong đó. Một tờ tạp chí yểu mệnh gần đây có đặt câu hỏi “Phụ nữ đang ở đâu”. Nhưng trước hết ta phải hỏi: thế nào là một người phụ nữ? Có người nói “Tota mulier in utero: phụ nữ là người có tử cung”. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại tuyên bố một số phụ nữ “không phải là phụ nữ” mặc dù họ cũng có tử cung như những người khác. Tất cả mọi người đều thống nhất rằng loài người có giống cái; từ trước tới nay, giống cái chiếm khoảng một nửa nhân loại; vậy mà chúng ta vẫn nghe nói: “Sự nữ tính đang bị đe doạ”; rồi có người lại thúc chúng ta: “Hãy là phụ nữ, hãy cứ là phụ nữ, hãy trở thành phụ nữ”. Không phải cứ là con người giống cái thì là phụ nữ, người đó cần phải có cái thứ bí ẩn và đang bị đe doạ gọi là nữ tính đó. Nữ tính có phải do buồng trứng tiết ra hay không? Hay nữ tính là một khái niệm bất biến theo như chủ nghĩa Plato? Và chỉ cần mặc váy áo diêm dúa vào là nó trở thành thực tế? Mặc dù nhiều người phụ nữ sốt sắng muốn trở thành hiện thân của nữ tính, vẫn không có một nguyên mẫu nào được công nhận cả. Nữ tính được miêu tả bằng những từ ngữ lập lờ và bí ẩn như kiểu bà đồng xem bói. Ở thời của thánh Thomas, nữ tính là một tính chất được định nghĩa rõ ràng cũng như đặc tính gây mê của cây thuốc phiện vậy. Nhưng chủ nghĩa khái niệm giờ đã thất thế: các ngành sinh học và khoa học xã hội không còn tin vào sự tồn tại của những thực thể cố định bất biến có thể định nghĩa cho các tính chất như đặc điểm của phụ nữ, của người Do Thái hay người da đen; các ngành khoa học này xem đặc điểm như là phản ứng phái sinh khi phải đối mặt với một hoàn cảnh. Nếu ngày nay không còn cái gọi là nữ tính nữa thì là vì nó chưa bao giờ tồn tại. Liệu điều này có nghĩa rằng từ “phụ nữ” không có nội dung nào cả? Đây chính là điều mà những người theo triết học khai sáng, chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy danh khẳng định chắc nịnh: phụ nữ chẳng qua là những người được gọi bằng từ “phụ nữ” mà không theo một định nghĩa nào cả; phụ nữ Mỹ đặc biệt có xu hướng cho rằng khái niệm phụ nữ không còn tồn tại; nếu một cô nàng cổ hủ nào còn nghĩ mình là phụ nữ, hội chị em sẽ khuyên nàng nên đi bác sỹ tâm lý để chữa khỏi chứng ám ảnh này. Trong cuốn sách khá trêu ngươi tựa là Modern Woman: a lost sex, Dorothy Parker viết: “Tôi không thể nào xem trọng những cuốn sách coi phụ nữ là phụ nữ… Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người, cả đàn ông lẫn phụ nữ, dù ta là ai chăng nữa, cũng nên được coi là con người”. Nhưng chủ nghĩa duy danh cũng chẳng tồn tại được lâu; và những người chống nữ quyền dễ dàng có thể chứng minh rằng phụ nữ không giống như đàn ông. Đương nhiên là phụ nữ cũng như đàn ông đều là con người: nhưng định nghĩa như vậy thật trừu tượng; thực tế là tất cả mỗi con người cụ thể đều có hoàn cảnh riêng biệt. Chối bỏ các khái niệm nữ tính vĩnh hằng, tâm hồn da den, đặc tính Do Thái không có nghĩa là phủ nhận sự tồn tại người Do Thái, người da đen hay phụ nữ ngày nay: phủ nhận sự tồn tại này không giải phóng cho những đối tượng này mà chỉ là cách trốn tránh tạm thời. Rõ ràng không một phụ nữ nào có thể thành thực tự nhận rằng mình đứng trên giới tính của mình. Một nhà văn nữ có tiếng vài năm trước đã từ chối cho chân dung của mình xuất hiện trong một seri ảnh dành cho các nhà văn nữ: bà muốn được xếp chung với các nhà văn nam; nhưng để có được đặc quyền này, bà ta phải nhờ tới sức ảnh hưởng của chồng. Những phụ nữ tuyên bố họ chẳng khác đàn ông vẫn muốn được đàn ông để ý tới và tôn trọng. Tôi biết có một cô gái Trotskist trong một cuộc mít tinh căng thẳng đứng trên bục sẵn sàng sử dụng nắm đấm mặc dù rõ ràng là cô trông rất yếu đuối; cô ấy chối bỏ điểm yếu nữ tính của mình; nhưng đó là vì cô ấy đang yêu một quân nhân và muốn trở thành ngang hàng với anh ta. Thái độ chống đối mà phụ nữ Mỹ đang khăng khăng bày tỏ cho thấy họ bị ám ảnh bởi cảm xúc của sự nữ tính của họ. Trên thực tế chỉ cần nhìn xung quanh là ta có thể thấy nhân loại được chia ra làm hai nhóm người có quần áo, gương mặt, nụ cười, cử chỉ, lợi ích, nghề nghiệp khác nhau rõ rệt: có thể là những khác biệt này chỉ là bề ngoài, có thế chúng sẽ biến mất một ngày nào đó. Điều chắc chắn là, hiện tại những khác biệt này vẫn tồn tại rõ rành rành.

Nếu như định nghĩa phụ nữ bằng chức năng của giống cái là không đủ, nếu chúng ta cũng từ chối giải thích bằng “nữ tính vĩnh hằng” nhưng nếu chúng ta vẫn thừa nhận, dù là tạm thời, rằng có phụ nữ trên thế giới này, chúng ta phải đặt câu hỏi: thế nào là một người phụ nữ?

Chính qua việc đưa ra vấn đề này là tôi đã thấy có một câu trả lời. Việc tôi phải đặt ra câu hỏi này là một điểm đáng chú ý. Một người đàn ông sẽ không có ý nghĩ viết một cuốn sách về tình cảnh riêng biệt của những người giống đực trong nhân loại. Nếu tôi muốn định nghĩa mình tôi bắt buộc trước hết phải tuyên bố: “Tôi là một người phụ nữ”; thực tế này là nền tảng cho tất cả những tuyên bố khác. Một người đàn ông sẽ không bao giờ bắt đầu câu chuyện bằng cách đặt mình vào vị trí của một cá nhân thuộc một giới tính nào cả: việc anh ta là đàn ông là hiển nhiên. Trên những giấy tờ sổ sách ở toà thị chính hay tờ khai căn cước, hai mục nam và nữ được chính thức xếp đối xứng nhau. Quan hệ giữa hai giới tính không giống như hai cực điện: đàn ông vừa cực dương, vừa là trung tính, đến mức mà trong tiếng Pháp “les hommes” cũng chỉ con người, nghĩa riêng của từ “vir” cũng tương đồng với nghĩa chung của từ “homo”. Phụ nữ được coi là cực âm, đến nỗi mà dù được đặt vào vị trí nào, phụ nữ vẫn bị coi là hạn chế, trong khi không ai nghĩ ngược lại. Đôi khi trong những cuộc thảo luận triết học, tôi thấy rất khó chịu khi nghe vài người đàn ông nói với tôi rằng: “Bà nghĩ như vậy vì bà là phụ nữ”; nhưng tôi biết rằng tôi chỉ có thể trả lời bằng cách xoá bỏ đi chủ thể của mình: “Tôi nghĩ như vậy vì điều đó đúng”; tôi không thể nào đáp lại rằng: “Và ông nghĩ ngược lại vì ông là đàn ông”; bởi vì ta hiểu rằng việc là một người đàn ông không có gì là đặc biệt; một người đàn ông là đàn ông là bình thường, phụ nữ là phụ nữ là hạn chế. Thực tế là cũng như người xưa có một đường thẳng tuyệt đối từ đó có thể so sánh đường xiên, có một loại người chuẩn đó là loại người nam. Phụ nữ có buồng trứng, có tử cung; đó là những điều kiện khác biệt đóng khung suy nghĩ chủ quan của họ; người ta luôn nói rằng phụ nữ nghĩ bằng hóc môn. Đàn ông quên tiệt rằng cơ thể họ cũng bao gồm hóc môn, tinh hoàn. Anh ta coi cơ thể mình như là mối liên hệ trực tiếp và bình thường với thế giới mà anh ta nghĩ có thể nắm bắt được một cách khách quan, trong khi đó anh ta cho rằng cơ thể phụ nữ là một vật cản, một nhà tù bị hạn chế bởi những điểm khác biệt của nó. “Giống cái là giống cái bởi do thiếu tố chất nào đó” Aristote đã nói, “Chúng ta cần xem bản chất của phụ nữ là phải chịu một thiếu sót tự nhiên”. Và thánh Thomas tiếp đó tuyên bố phụ nữ là “đàn ông không hoàn thiện”; một người “ngẫu nhiên”. Đó chính là ý nghĩa của câu truyện trong Sáng thế ký, Eva được sinh ra từ một mẩu “xương thừa” của Adam, theo đúng ngôn từ của Bossuet. Nhân loại là giống đực, và đàn ông định nghĩa phụ nữ không phải theo nghĩa tự thân mà là theo tương quan với đàn ông; phụ nữ không được coi là một chủ thể độc lập. Michelet đã viết: “Phụ nữ, chủ thể tương đối…”. Ông Benda cũng khẳng định như vậy trong le Rapport d’Uriel: “Cơ thể đàn ông có nghĩa tự thân, không liên quan gì tới cơ thể phụ nữ, trong khi đó cơ thể phụ nữ không có nghĩa gì nếu không liên quan tới giống đực… Đàn ông nghĩ về chính mình mà không cần phụ nữ, phụ nữ không thể nghĩ về chính mình mà không có đàn ông”. Đàn ông quyết định phụ nữ là gì thì họ là cái đó mà không là gì khác; vì thế phụ nữ được gọi là “giới tính”, có nghĩa là đối với đàn ông, phụ nữ chủ yếu là một sinh vật có giới tính: đàn ông coi phụ nữ là sinh vật giới tính thì phụ nữ phải tuyệt đối là sinh vật có giới tính. Phụ nữ được xác định và được phân biệt qua tương quan với đàn ông nhưng đàn ông không phải làm ngược lại; phụ nữ là thứ không cốt yếu đối mặt với thứ cốt yếu. Đàn ông là cái Chủ thể, là cái Tuyệt đối: phụ nữ là cái Khác.

Phạm trù cái Khác cũng có từ lâu như chính ý thức vậy. Ngay từ trong những xã hội nguyên thuỷ nhất hay những huyền thoại cổ xưa nhất đều có thể tìm thấy sự song đối của cái Bản thể và cái Khác; sự phân tách này ban đầu không mang tính chất phân biệt giới tính và không dựa vào bất cứ thực tiễn cụ thể nào: đây là điều có thể thấy ví dụ như trong những nghiên cứu của Granet về tư tưởng Trung Hoa, hay của Dumézil về Ấn Độ và Rome. Trong các cặp Varuna-Mitra, Ouranos-Zeus, Mặt trời – Mặt trăng, Ngày – Đêm, ban đầu không có yếu tố nữ giới nào; cả trong sự đối lập giữa cái Thiện – Ác, Lành – Dữ, trái – phải hay Chúa – Quỷ cũng vậy; sự tương phản là một phạm trù cơ bản của suy nghĩa loài người. Không một nhóm sự vật nào có thể được định nghĩa như Một Thứ nếu như không có ngay một thứ Khác đối lập lại. Chỉ cần có ba khách du lịch cùng tình cờ gặp nhau trong một toa tàu là đủ để mọi du khách còn lại trở thành những người “khác” ít nhiều không có thiện cảm. Người dân một làng xem tất cả những ai không thuộc làng của họ là người “lạ” đáng nghi. Người dân một nước xem những người dân nước khác là người “nước ngoài”; đối với những kẻ bài Do Thái thì người Do Thái là người “khác”, đối với kẻ phân biệt chủng tộc ở Mỹ thì đó là người da đen, đối với thực dân thì đó là người bản địa, đối với giới tư sản đó là người vô sản. Trong phần cuối của một nghiên cứu chuyên sâu về nhiều hình tượng khác nhau trong các xã hội nguyên thuỷ, Lévi-Strauss đã kết luận rằng: “Sự chuyển đổi từ trạng thái Tự nhiên sang trạng thái Văn hoá được đánh dấu bởi khả năng tư duy của con người về các mối quan hệ sinh học dưới dạng các hệ thống đối lập: sự song đối, tính luân phiên, tính đối lập và sự đối xứng; các hệ thống này dù được xuất hiện dưới dạng rõ ràng hay mờ nhạt cũng không hẳn là các hiện tượng để giải thích mà là những dữ liệu cơ bản và trực tiếp của thực tế xã hội”. Sẽ không thể hiểu các hiện tượng này nếu như thực tế nhân loại chỉ là một cộng đồng với nền tảng là sự đoàn kết và tình bạn. Ngược lại, sẽ rất rõ ràng nếu ta theo tư tưởng của Hegel và nhận thấy ngay trong ý thức tồn tại một sự đối địch cơ bản đối với tất cả các ý thức khác; chủ thể chỉ có thể tồn tại bằng cách đối lập: chủ thể tự khẳng định mình là cái cốt yếu và đặt cái khác thành cái không cốt yếu, thành vật thể.

Tuy nhiên chủ thể có ý thức khác cũng đối lại bằng cách khẳng định ngược lại: khi đi du lịch, người dân của một nơi sẽ bất ngờ nhận thấy rằng ở các nước láng giềng có những người dân bản địa khác sẽ nhìn anh ta như người lạ; giữa các làng, bộ tộc, đất nước hay giai cấp luôn có chiến tranh, lễ nghi, thoả thuận, hiệp ước và tranh chấp khiến quan niệm về cái Khác mất đi ý nghĩa tuyệt đối và trở nên tương đối: dù muốn hay không, các cá nhân và tập thể đều phải chấp nhận rằng họ coi đối phương như thế nào thì đối phương cũng có khả năng sẽ đáp lại như vậy. Vậy tại sao giữa các giới tính lại không có sự tương hỗ này, tại sao một giới lại được tự khẳng định là thứ cốt yếu duy nhất, phủ nhận tất cả tính tương đối có qua có lại, định nghĩa giới kia như là thứ đối lập thuần tuý? Tại sao phụ nữ lại không nghi ngờ quyền lực tối cao của đàn ông? Không chủ thể nào lại tự nhiên tự đặt mình thành thứ không cốt yếu ngay từ đầu; cái Khác không định nghĩa Một Thứ bằng cách tự nhận mình là cái Khác, cái Khác là Khác bởi cái Một Thứ nhận mình là Một Thứ. Nhưng để cái Khác không trở thành Một Thứ, cái Khác phải chịu tuân theo quan điểm đối lập. Tại sao phụ nữ lại chịu tuân theo quan điểm của đàn ông?

Có những trường hợp trong một thời gian có khi ngắn có khi dài, một nhóm người đạt được vị thế thống trị tuyệt đối với một nhóm người khác. Thường ưu thế này là do nhóm người đó đông hơn: nhóm đa số áp đặt luật lệ của mình lên nhóm thiểu số hoặc đàn áp họ. Nhưng phụ nữ không phải là nhóm người thiểu số như người da đen ở Mỹ hay người Do Thái: số lượng phụ nữ trên thế giới này bằng với số đàn ông. Cũng có thể thấy giữa hai nhóm người đó thường ban đầu là độc lập với nhau: trong quá khứ không biết tới nhau, hoặc biết và thừa nhận sự tồn tại độc lập của nhau; và một sự kiện lịch sử nào đó xảy ra khiến nhóm người yếu thế hơn phải chịu sự thống trị của kẻ mạnh hơn, cuộc lưu vong của người Do Thái, chế độ nô lệ tại Mỹ hay các cuộc xâm chiếm thuộc địa của thực dân là những sự kiện lịch sử như vậy. Trong những trường hợp này, nhóm bị trị có một quá khứ trước khi bị thống trị: họ cùng có chung lịch sử, truyền thống, có khi là tôn giáo hay văn hoá. Nếu phân tích theo hướng này thì theo như Bebel phụ nữ và giai cấp vô sản có nhiều nét giống nhau hơn: giai cấp vô sản không phải là nhóm người thiểu số và cũng chưa bao giờ là một tập thể riêng biệt. Tuy nhiên không phải là một sự kiện lịch sử mà là cả một quá trình phát triển của lịch sử khiến giai cấp vô sản hình thành và phân loại một số cá nhân vào giai cấp này. Lịch sử không phải lúc nào cũng có người vô sản nhưng lúc nào cũng có phụ nữ; phụ nữ là phụ nữ bởi cấu tạo sinh học; từ khi sử sách được ghi chép lại thì phụ nữ đã bị đàn ông thống trị: sự thống trị này không phải là hệ quả của một sự kiện hay quá trình nào xảy ra cả. Sự khác biệt của phụ nữ không phải là do một sự kiện lịch sử ngẫu nhiên tạo ra, chính vì vậy nó dường như là tuyệt đối. Một hoàn cảnh được hình thành nên qua thời gian thì sẽ bị xoá bỏ đi vào thời gian khác: người da đen ở Haiti là một minh chứng rõ ràng; ngược lại, một hoàn cảnh do tự nhiên tạo ra thì dường như sẽ bất chấp mọi thay đổi. Sự thật là, tự nhiên cũng như các thực tế lịch sử không phải là bất biến. Nếu như phụ nữ đang là một thứ không cốt yếu chưa từng trở lại thành thứ cốt yếu thì là vì phụ nữ chưa thực hiện được sự thay đổi này. Người vô sản hay người da đen đều xưng là “chúng tôi”. Bằng cách nhận mình là chủ thể như vậy, họ khiến những người tư sản và người da trắng trở thành người “khác”. Phụ nữ – ngoại trừ trong những cuộc hội họp mang ý nghĩa tượng trưng – không xưng là “chúng tôi”; đàn ông gọi họ là “phụ nữ” và họ lấy lại cái từ này để chỉ chính mình; nhưng họ không nhận mình là chủ thể một cách đích thực. Người vô sản đã làm cách mạng tại Nga, người da đen tại Haiti, người Đông Dương chiến đấu chống lại thực dân ở Đông Dương: phụ nữ thì chưa bao giờ làm gì khác ngoài các động thái mang tính hình thức; phụ nữ chẳng có được gì ngoài những thứ mà đàn ông muốn nhường cho họ; phụ nữ không giành lấy thứ gì; họ chỉ nhận những gì được cho. Đó là bởi vì phụ nữ không có cách nào thực tế để tập hợp lại thành một tập thể thống nhất, một tập thể đối lập. Phụ nữ không có quá khứ, không có lịch sử, không có tôn giáo nào của riêng mình; họ cũng không giống như những người vô sản có lao động và lợi ích chung để đoàn kết lại; phụ nữ cũng không sinh sống gần nhau để tạo thành một cộng đồng như người da đen ở Mỹ, người Do Thái trong các khu ghetto hay các cộng đồng công nhân Saint-Denis hay các nhà máy Renault. Phụ nữ sống rải rác giữa đàn ông, họ chia sẻ nơi ở, công việc, lợi ích kinh tế và điều kiện xã hội với một người đàn ông nào đó – cha hay chồng – do đó họ gắn bó với đàn ông chặt chẽ hơn là với các phụ nữ khác. Phụ nữ tư sản sẽ đoàn kết với giới tư sản mà không phải với phụ nữ vô sản; phụ nữ da trắng sẽ đoàn kết với đàn ông da trắng mà không phải với phụ nữ da đen. Giới vô sản có thể lên kế hoạch tàn sát giai cấp thống trị; một người Do Thái hay da đen cuồng tín có thể nghĩ tới việc chiếm đoạt bí mật bom nguyên tử và khiến cả nhân loại chỉ còn tồn tại người Do Thái hay da đen: nhưng ngay cả trong mơ phụ nữ cũng không thể nghĩ tới với việc xoá sổ toàn bộ đàn ông. Mối liên kết giữa phụ nữ và những kẻ thống trị họ không giống như bất cứ nhóm nào khác. Sự phân chia giữa hai giới là một thực tế sinh học, không phải là do một sự kiện lịch sử nào của nhân loại tạo ra. Sự đối nghịch giữa hai giới được hình thành từ trong cộng đồng nguyên thuỷ và phụ nữ đã không phá vỡ nó. Một đôi nam nữ là một đơn vị cơ bản mà hai nửa được gắn chặt với nhau: xã hội không thể nào tách biệt được theo giới tính. Đây chính là đặc điểm cơ bản của phụ nữ: họ là cái Khác ở giữa một cái toàn thể mà hai thành phần đều không thể thiếu nhau.

Tưởng chừng quan hệ tương hỗ này sẽ giúp phụ nữ dễ dàng đoạt được tự do hơn; khi ngồi xe sợi dưới chân nữ hoàng Omphale, Héc-quyn bị ràng buộc bởi ham muốn của chính chàng: vậy tại sao Omphale lại không thể thống trị chàng lâu dài? Để trả thù chồng là Jason, Medea đã giết chết các con của chính họ: câu chuyện thần thoại man rợ này cho thấy mối ràng buộc mẫu tử có thể đem lại cho phụ nữ lợi thế rất lớn. Trong vở kịch Lysistrata, Aristophane đã hóm hỉnh nghĩ ra chuyện một nhóm phụ nữ tập hợp lại cùng nhau lợi dụng thứ mà đàn ông cần ở họ để đoạt được một lợi ích xã hội chung: nhưng đây cũng chỉ là một vở hài kịch. Truyền thuyết kể lại rằng các cô gái Sabines khi bị bắt cóc đã chống lại những kẻ bắt mình bằng cách không sinh con, tuy nhiên sau đó như có ma thuật, những gã đàn ông đó đã khiến họ phục tùng chỉ bằng cách quật roi. Nhu cầu sinh lý – ham muốn tình dục hay mong muốn có con nối dõi – khiến giống đực phụ thuộc vào giống cái lại không giúp phụ nữ được giải phóng về mặt xã hội.  Điều này tương tự như quan hệ chủ nô và nô lệ, cả hai bên đều có lệ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế, nhưng không vì thế mà nô lệ được tự do. Đó là vì trong mối tương quan giữa chủ tớ, người chủ không cần phải thừa nhận điều mình cần từ người nô lệ; người chủ có quyền bắt nô lệ thoả mãn nhu cầu này và không cần phải thoả hiệp; trong khi đó, nô lệ do ở thế phụ thuộc, do hy vọng hoặc do sợ hãi, chấp nhận rằng mình cần phải có chủ; dù mức độ cần lẫn nhau của chủ và tớ có ngang nhau thì kẻ thống trị vẫn luôn có lợi thế hơn là kẻ bị thống trị: điều này giải thích tại sao công cuộc giải phóng giai cấp công nhân lại chậm chạp đến vậy. Phụ nữ trước nay nếu không là nô lệ của đàn ông thì cũng phụ thuộc vào đàn ông; nam giới và nữ giới chưa bao giờ cùng có vị thế bình đẳng trên thế giới này; ngay cả ngày nay, dù điều kiện của phụ nữ đang được cải thiện, họ vẫn phải chịu rất nhiều bất lợi. Hầu như không có một quốc gia nào cho phụ nữ cương vị pháp lý giống hệt đàn ông, thường là phụ nữ vẫn bị thiệt thòi đáng kể về mặt pháp luật. Ngay cả khi pháp luật có chính thức công nhận quyền của phụ nữ, lề thói lâu đời vẫn khiến họ không thể hưởng những quyền này trong thực tế cuộc sống hàng ngày. Về mặt kinh tế, đàn ông và phụ nữ là hai tầng lớp gần như tách biệt; khi tất cả mọi điểm đều như nhau thì đàn ông sẽ có được vị trí thuận lợi hơn, đồng lương cao hơn và có nhiều cơ hội thành công hơn phụ nữ, trong khi gần đây phụ nữ mới được coi là đối thủ của đàn ông; đàn ông làm việc đông hơn nhiều trong các ngành công nghiệp, trong giới chính trị… và họ cũng giữ những vị trí quan trọng hơn. Ngoài việc nắm những quyền lực cụ thể, đàn ông còn được coi trọng hơn phụ nữ, vị thế này được toàn bộ truyền thống giáo dục duy trì: hiện tại là sự nối tiếp của quá khứ, mà trong quá khứ, tất cả lịch sử đều do đàn ông tạo nên. Vào thời điểm mà phụ nữ bắt đầu đóng góp vào xây dựng thế giới, thế giới này vẫn thuộc về đàn ông: đàn ông không mảnh may nghi ngờ gì về điều này, còn phụ nữ mới chớm nghi ngờ về nó. Từ chối trở thành cái Khác, từ chối tiếp tay cho đàn ông sẽ khiến phụ nữ phải từ bỏ tất cả những lợi ích mà họ có được khi hợp tác với tầng lớp cao hơn. Đàn ông làm chủ sẽ bảo đảm về mặt vật chất và gánh trách nhiệm lý giải cho sự tồn tại của phụ nữ lệ thuộc: người phụ nữ lệ thuộc ngoài việc không phải lo lắng về kinh tế còn tránh được một nỗi lo tinh thần là phải tự tìm kiếm mục đích cho mình. Thực tế là, mỗi cá nhân đều có mong muốn khẳng định mình với tư cách chủ thể, đây là một mong muốn chính đáng, nhưng bên cạnh đó vẫn có cám dỗ của việc trốn tránh quyền làm chủ mình và trở thành thứ phụ thuộc: con đường này thật tai hại vì nó khiến người ta trở nên thụ động, cô lập, mất phương hướng và từ đó dễ dàng bị tác động bởi bên ngoài, không còn khả năng đột phá và mất đi tất cả giá trị của bản thân. Nhưng đây là một con đường dễ dàng: ta sẽ không phải lo sợ, không phải căng thẳng như khi thực sự làm chủ số phận của mình. Đàn ông áp đặt phụ nữ thành cái Khác sẽ được phụ nữ tiếp tay. Phụ nữ không đòi hỏi quyền làm chủ bản thân mình bởi họ không có công cụ cụ thể, bởi vì họ chấp nhận là họ cần đàn ông mà không đặt ngược lại vấn đề là đàn ông cũng cần họ, và bởi vì họ thường thấy thoả mãn với vai trò cái Khác.

Đến đây sẽ có một câu hỏi được đặt ra: chuyện này bắt đầu từ đâu? Ta hiểu rằng sự song đối giữa hai giới cũng giống như những sự song đối khác sẽ tạo ra xung đột. Ta hiểu rằng nếu một trong hai bên thành công trong việc áp đặt thế thượng phong, bên đó sẽ phải tự khẳng định là tuyệt đối. Như vậy là chỉ còn phải giải thích tại sao ban đầu đàn ông lại chiến thắng. Có thể thấy rằng phụ nữ cũng đã có thế giành chiến thắng; hoặc là hai bên tranh giành nhau không dứt. Vậy tại sao thế giới này trước nay luôn thuộc về đàn ông và chỉ mới gần đây mọi sự mới bắt đầu thay đổi? Sự thay đổi này có phải là điều tốt hay không? Nó có đem lại sự phân chia thế giới bình đẳng giữa đàn ông và phụ nữ hay không?

Những thắc mắc này không hề mới; đã có nhiều câu trả lời được đưa ra; nhưng phụ nữ là cái Khác, chỉ riêng điều này cũng đủ để ta phải đặt câu hỏi đối với tất cả những lý lẽ mà đàn ông đưa ra, bởi vì họ bị mờ mắt bởi lợi ích của bản thân. “Tất cả những gì mà đàn ông viết về phụ nữ đều đáng bị nghi ngờ, bởi họ vừa là người phán xử, vừa là bên tham gia”, Poulain de la Barre, một nhà nữ quyền ít tên tuổi thế kỷ 17 đã viết. Đàn ông tự hào mọi lúc mọi nơi khi cảm thấy mình là chúa tể sáng tạo. Trong cầu buổi cầu nguyện sáng, đàn ông Do Thái nói: “Tạ ơn Chúa đã sinh ra con không phải là đàn bà”, trong khi đó, vợ của họ thì thầm trong cam chịu: “Tạ ơn Chúa đã sinh ra con theo ý Ngài”. Trong những điều mà Plato cảm tạ thần linh, điều thứ nhất là ông được sinh ra tự do và không phải là nô lệ, và điều thứ hai là ông sinh ra là đàn ông chứ không phải phụ nữ. Nhưng đàn ông không thể hoàn toàn thoả mãn với ưu thế này nếu như họ không coi nó là tuyệt đối và vĩnh viễn: họ tìm cách biến vị thế thượng đẳng của họ trong thực tế trở thành quyền lợi. “Những người xây dựng và biên soạn luật pháp là đàn ông nên đã ưu tiên cho nam giới, và người thi hành luật pháp đã khiến luật trở thành nguyên tắc”,  vẫn là Poulain de la Barre đã viết. Các nhà làm luật, giáo sĩ, triết học, nhà văn, nhà thông thái đã không ngừng muốn chứng tỏ rằng vị thế thấp kém của phụ nữ là ý trời và có lợi cho cuộc sống. Các tôn giáo do đàn ông tạo nên cũng phản ánh mong muốn thống trị này trong các truyền thuyết như Eva hay Pandora. Đàn ông lợi dụng cả triết học, thần học như ta đã thấy trong các câu nói đã được trích dẫn của Aristote hay thánh Thomas. Ngay từ thời Cổ đại, các tay trào phúng hay các nhà đạo đức học đã rất sẵn lòng chỉ ra các điểm yếu của phụ nữ. Ta cũng biết toàn bộ nền văn học Pháp đã buộc tội phụ nữ như thế nào. Sự thù địch này đôi khi cũng có lý, nhưng hầu như là vô cớ: trên thực tế, nó ít nhiều che đậy cho mong muốn tự khẳng định một cách khôn khéo. Montaigne đã viết: “Buộc tội một giới thì dễ hơn là bào chữa cho giới kia”. Trong một vài trường hợp, cách thức thực hiện khá lộ liễu. Ví dụ như vào thời điểm nền tảng gia đình bị lung lay khiến phụ nữ trở thành mối đe doạ đối với những người thừa kế nam giới, luật La Mã đã lấy cớ rằng nữ giới “ngu ngốc, yếu đuối” để giới hạn quyền của phụ nữ. Vào thế kỷ 16, để đặt phụ nữ có chồng dưới sự giám hộ, người ta đã viện tới lý lẽ của thánh Augustin rằng “phụ nữ là con vật vừa không đáng tin vừa không ổn định” trong khi thừa nhận phụ nữ độc thân có khả năng quản lý tài sản của mình. Montaigne là người hiểu rõ phụ nữ phải chịu những lý lẽ tuỳ tiện và bất công như vậy như thế nào. Ông viết: “Phụ nữ không hề sai khi từ chối chấp nhận những luật lệ của thế giới này, khi mà đàn ông viết ra những luật lệ đó mà không cần tới ý kiến của họ. Việc có thủ đoạn tranh giành giữa chúng ta và họ là tự nhiên”, nhưng ông cũng không đi xa đến mức đấu tranh cho phụ nữ. Phải đến thế kỷ 18, một số người đàn ông đặc biệt dân chủ mới xem xét câu hỏi này một cách khách quan. Diderot là một trong những người kiên trì chứng minh rằng phụ nữ cũng giống đàn ông đều là con người. Sau đó Stuart Mill cũng hăng hái bảo vệ phụ nữ. Nhưng những triết gia này là những người công minh rất hiếm gặp. Tới thế kỷ 19, tranh cãi về nữ quyền lại trở thành tranh cãi của các đảng phái; một trong những hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp là phụ nữ bắt đầu tham gia vào lực lượng lao động: lúc này những đòi hỏi nữ quyền đã không còn là lý thuyết mà có nền tảng kinh tế; kẻ thù của phụ nữ ngày càng trở nên hung hăng; dù nhà đất đã phần nào mất đi giá trị, giai cấp tư sản vẫn bám vào lề thói xưa cũ coi gia đình là nền tảng đảm bảo cho tài sản tư nhân: theo đó, vị trí của người phụ nữ là ở trong nhà, nhất là khi phụ nữ được tự do ra ngoài xã hội sẽ trở thành mối đe doạ thực thụ; ngay trong giai cấp công nhân, đàn ông cũng tìm cách kìm hãm sự giải phóng phụ nữ bởi phụ nữ được xem là đối thủ đáng gờm, đặc biệt là khi họ đã quen làm việc với mức lương thấp. Để chứng tỏ là phụ nữ thấp kém hơn, những kẻ chống nữ quyền giờ không chỉ viện tới tôn giáo, triết học hay thần học như trước kia mà lợi dụng cả các môn khoa học như sinh học hay tâm lý học thử nghiệm. Trong điều kiện tốt nhất, nữ giới cũng chỉ giành được vị thế “bình đẳng trong khác biệt”. Mấy chữ “bình đẳng trong khác biệt” này có ý nghĩa sâu xa: đây chính là công thức mà luật Jim Crow đã dùng đối với người da đen ở Mỹ; sự tách biệt mang tiếng là bình đẳng này chỉ càng đem lại sự phân biệt mạnh mẽ hơn. Điểm trùng hợp này không hề ngẫu nhiên: dù là trong trường hợp nào, khi một chủng tộc, một tầng lớp, một giai cấp hay một giới tính bị đẩy vào vị trí thấp kém hơn, quá trình biện minh luôn giống nhau. “Nữ tính vĩnh hằng” cũng giống như “tâm hồn da đen” hay “tính cách Do Thái”. Tuy nhiên, vấn đề của người Do Thái xét về tổng thể rất khác so với hai trường hợp còn lại: người Do Thái đối với những kẻ bài Do Thái không phải thấp kém hơn mà là một kẻ thù không được thừa nhận bất cứ nơi nào là nhà trên thế giới này và cần phải bị loại bỏ. Trong khi đó giữa tình cảnh của phụ nữ và người da đen có nhiều điểm rất giống nhau: cả hai hiện giờ đã được giải phóng khỏi cùng một chế độ gia trưởng, và người chủ trước đây muốn họ phải “biết chỗ của mình là ở đâu”, có nghĩa là, ở vị trí đã được người chủ định sẵn; trong cả hai trường hợp, họ đều được nhận được lời ca ngợi, ít nhiều thành thật, nếu có những đức tính của “người da đen tốt bụng”: vô tư, trẻ con, hào sảng, cam chịu, đối với phụ nữ, đó là những người “phụ nữ thực thụ”: phù phiếm, ngây thơ, vô tư lự, phụ tùng đàn ông. Trong cả hai trường hợp, tầng lớp thống trị lấy lý lẽ từ chính thực tế những gì mà họ gây ra. Bernard Shaw đã nhận xét rất đúng về việc này khi viết: “Người Mỹ da trắng đẩy người da đen vào vị trí đánh giày, rồi kết luận là người da đen chỉ giỏi đánh giày”. Có thể thấy vòng tròn luẩn quẩn này ở tất cả những hoàn cảnh tương tự: khi một người hay một nhóm người bị giữ ở vị thế thấp kém, đúng họ thực tế là thấp kém hơn. Tuy nhiên ta cần phải xét tới nghĩa của từ “là” ở đây: những kẻ ác ý dùng “là” với nghĩa “thực chất là”, nhưng ta phải hiểu theo nghĩa của Hegel: “là” có cả một quá trình trở thành, một quá trình được tạo nên những gì thể hiện ra. Đúng, hiện tại phụ nữ nói chung đang là thấp kém hơn đàn ông, có nghĩa là hoàn cảnh của họ khiến họ có ít cơ hội hơn: vấn đề là liệu tình trạng này còn nên tiếp diễn.

Rất nhiều đàn ông vẫn muốn giữ nguyên tình trạng này: không phải ai cũng đã sẵn sàng từ bỏ lợi ích của mình. Giai cấp tư sản bảo thủ vẫn coi giải phóng phụ nữ là mối đe doạ tới nền tảng đạo đức và lợi ích của giai cấp này. Một số người đàn ông lại lo ngại sự cạnh tranh của phụ nữ. Trên tờ Hebdo-Latin, một sinh viên đã phát biểu: “Mỗi sinh viên nữ trở thành bác sỹ hay luật sư là cướp đi một vị trí của chúng ta”; anh sinh viên này chẳng hay nghi ngờ gì về quyền của mình trên thế giới này. Lợi ích kinh tế không phải là tất cả. Một trong những ưu tiên của giới thống trị là ngay cả những kẻ tầm thường nhất cũng cảm thấy mình là thượng đẳng: một người da trắng nghèo ở miền Nam nước Mỹ cảm thấy an ủi khi mình không phải là một “tên mọi đen bẩn thỉu”; những người da trắng may mắn hơn càng khôn khéo tận dụng niềm kiêu hãnh này. Cũng như vậy, người đàn ông kém cỏi nhất vẫn cảm thấy mình như là chúa tể trước mặt phụ nữ. Đối với de Montherlant, nghĩ mình là một người hùng khi đối mặt với một số người phụ nữ (thực ra đã được lựa chọn kỹ càng) sẽ dễ dàng hơn là chứng tỏ bản lĩnh đàn ông của ông ấy giữa những người đàn ông: nhiều phụ nữ còn có khả năng chứng tỏ bản lĩnh ấy tốt hơn ông ấy. Chính vì vậy mà vào tháng Chín năm 1948, trong một bài báo trên tờ Figaro Văn học, Claude Mauriac, phải công nhận tính độc đáo của ông ấy, đã có thể viết về phụ nữ như sau: “Chúng tôi nghe với giọng điệu (sic) thờ ơ lịch sự… cô gái thông minh sáng láng nhất trong số phụ nữ, trong khi biết rằng suy nghĩ của cô ấy ít nhiều hiển nhiên là nhại lại những ý tưởng bắt nguồn từ chúng tôi”. Đương nhiên là cô gái mà ông Claude Mauriac nói đến không nhại lại những ý tưởng của chính ông ấy, bởi ta biết là ông ấy chẳng có ý tưởng nào cả; có thể là cô ấy phỏng theo tư tưởng của một số người đàn ông: nhưng ngay cả đàn ông cũng có không ít người tự vơ vào mình những tư tưởng không phải mình nghĩ ra. Ông Claude Mauriac có lẽ nên suy ngẫm về tư tưởng của Descartes, của Marx hay Gide hơn là nghĩ về chính ông. Điều đáng nói là với đại từ mập mờ “chúng tôi”, ông ấy tự sánh mình với Thánh Paul, Hegel, Lenin, Nietzche và từ đỉnh cao vĩ đại của họ, ông nhìn những phụ nữ dám nói chuyện ngang hàng với mình bằng con mắt khinh thường. Thật lòng mà nói tôi biết không ít phụ nữ sẽ chẳng kiên nhẫn nổi với “giọng điệu thờ ơ lịch sự” của ông Mauriac.

Tôi nhấn mạnh tới ví dụ này bởi sự ngây ngô của nó khiến người ta dễ sa bẫy. Đàn ông có rất nhiều cách khác để lợi dụng sự khác biệt của phụ nữ một cách khôn khéo hơn. Với tất cả những anh chàng có mặc cảm tự ti, đây là một phương thuốc kỳ diệu: không có ai lại kiêu ngạo, hung hăng hay khinh thường phụ nữ hơn là người đàn ông không tự tin về sự nam tính của mình. Người đàn ông không cảm thấy bị đe doạ khi sánh ngang với những người đàn ông khác sẽ chấp nhận phụ nữ là ngang hàng dễ dàng hơn nhiều. Nhưng ngay cả đối với người đàn ông này những ảo tưởng về Phụ nữ, về cái Khác vẫn có giá trị do nhiều lý do: khó có thể trách họ khi họ không muốn từ bỏ một cách vui vẻ tất cả những gì họ được hưởng lợi khi duy trì những ảo tưởng này: họ biết sẽ phải mất gì nhưng không chắc sẽ nhận được lại gì. Phải rất hào phóng mới có thể không nghĩ mình là Chủ thể duy nhất và tuyệt đối. Vả lại phần lớn đàn ông không thật sự tự nhận mình có vị thế này. Họ không đặt phụ nữ vào vị trí yếu kém hơn: ngày nay, đàn ông đã quá thấm nhuần tư tưởng dân chủ nên không thể không thừa nhận rằng tất cả nhân loại đều bình đẳng. Trong một gia đình, đứa bé trai hay nam thanh niên thấy phụ nữ cũng được coi trọng về mặt xã hội như đàn ông trưởng thành; lớn lên, chàng trai trẻ sẽ trải nghiệm ham muốn và tình yêu đối với người phụ nữ độc lập, tự chủ; khi lấy vợ, đàn ông tôn trọng người phụ nữ là vợ mình, là mẹ của con mình, trong thực tế cuộc sống vợ chồng, phụ nữ khẳng định được sự tự do đối với đàn ông. Đàn ông vì thế tự nhủ rằng không còn tồn tại thứ bậc cao thấp giữa hai giới và nói chung, dù có khác biệt, phụ nữ vẫn bình đẳng với đàn ông. Tuy nhiên anh ta nhận thấy phụ nữ còn có một số yếu kém – trong đó quan trọng nhất là trên phương diện nghề nghiệp -, và cho rằng đó là do bản chất tự nhiên. Khi đàn ông có thái độ hợp tác và khoan dung với phụ nữ, anh ta sẽ tuyên bố rằng về mặt lý thuyết đàn ông và phụ nữ là bình đẳng và sẽ không thừa nhận những bất bình đẳng mà anh ta nhận thấy vẫn tồn tại trên thực tế. Nhưng ngay khi có xung đột với phụ nữ, tình thế sẽ hoàn toàn đảo ngược; đàn ông sẽ cho rằng những bất bình đẳng trên thực tế là thể hiện chân lý và từ đó tự cho mình quyền chối bỏ bình đẳng trên lý thuyết. (Ví dụ như một người đàn ông có thể nói rằng vợ mình hoàn toàn không hề kém cạnh gì nếu như cô ấy ở nhà làm nội trợ bởi việc chăm lo cho gia đình cũng rất quan trọng… Tuy nhiên chỉ cần có cãi cọ là anh ta sẽ nói: “Cô chẳng làm nên trò trống gì nếu không có tôi.”) Chính vì vậy mà rất nhiều người đàn ông gần như là thực tâm khẳng định rằng phụ nữ là bình đẳng với đàn ông và không cần phải đòi hỏi gì nữa, nhưng đồng thời lại cho rằng phụ nữ không bao giờ có thể bình đẳng với đàn ông và những đòi hỏi của phụ nữ là hão huyền. Rất khó để đàn ông có thể hiểu tầm quan trọng của những sự phân biệt về mặt xã hội bề ngoài có vẻ nhỏ nhặt nhưng có tác động về tâm lý và tinh thần đặc biệt sâu rộng đối với phụ nữ, đến nỗi mà người ta tưởng rằng những sự phân biệt này là hoàn toàn tự nhiên. Ngay cả người đàn ông cảm thông với phụ nữ nhất cũng không bao giờ có thể hiểu được hoàn cảnh thực tế của phụ nữ. Cũng như vậy, không thể tin tưởng đàn ông khi họ cố gắng bảo vệ lợi thế của mình, chính bản thân họ cũng không biết hết được họ có được nhiều lợi thế như thế nào. Dù những công kích hướng tới phụ nữ có nhiều thế nào, hay hung hăng thế nào, chúng ta cũng không e sợ. Chúng ta sẽ không bị lừa phỉnh bởi những lời tán dương dành cho “phụ nữ đích thực”, cũng không xiêu lòng khi đàn ông tỏ ra hăng hái bảo vệ số phận của người phụ nữ đính thực đó, đàn ông sẽ không bao giờ muốn sống số phận như vậy dù có giá nào.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên thận trọng như vậy đối với những lý lẽ của phong trào nữ quyền: trong rất nhiều trường hợp, sự khiêu khích của phong trào này khiến nó mất đi giá trị. Sự tự phụ của đàn ông đã khiến những vấn đề của phụ nữ trở thành cuộc cãi vã vô ích; khi người ta cãi nhau sẽ không còn lý lẽ gì nữa. Câu hỏi liệu phụ nữ là thượng đẳng, hạ đẳng hay bình đẳng với đàn ông đã được nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần: người thì nói vì Eva được tạo ra sau Adam nên rõ ràng phụ nữ là sinh vật thứ cấp; người khác lại bảo Adam chỉ là bản nháp mà Chúa đã tạo ra khi trước khi tìm được phiên bản hoàn thiện là Eva; phụ nữ có bộ óc nhỏ hơn, nhưng so với tỷ lệ cơ thể thì bộ óc phụ nữ lại lớn hơn; Chúa Jesus Christ là đàn ông, nhưng cũng có thể đó là vì người đang khiêm nhường. Mỗi lý lẽ đều có sự phản biện và thường là cả hai đều sai. Để có được cái nhìn rõ ràng, ta phải thoát ra khỏi mớ bòng bong này, phải từ bỏ những khái niệm mơ hồ như thượng đẳng, hạ đẳng và bình đẳng đang làm hỏng mọi tranh luận. Ta phải bắt đầu lại từ đầu.

Nhưng chúng ta phải đặt vấn đề như thế nào đây? Hơn nữa chúng ta có tư cách gì để đặt vấn đề? Đàn ông vừa là người phán xử, vừa là bên tham gia, nhưng phụ nữ cũng vậy. Chẳng lẽ phải tìm tới một vị thần? Nhưng một vị thần sẽ không đủ khả năng để nói về vấn đề này bởi vị thần đó sẽ không biết được thực tế của vấn đề; người lưỡng tính là trường hợp quá đặc biệt: họ không phải vừa là đàn ông vừa là phụ nữ mà đúng ra, họ là người không phải đàn ông cũng không phải phụ nữ. Tôi cho rằng một vài người phụ nữ nhất định vẫn sẽ là phù hợp nhất để làm rõ vấn đề của phụ nữ. Sẽ là nguỵ biện nếu ta chỉ coi Epimenides là người đảo Crete và chỉ coi người đảo Crete là những kẻ nói dối: không có bản chất thần bí nào khiến đàn ông hay phụ nữ có thành ý hay ác ý khi làm rõ vấn đề này; chỉ có hoàn cảnh của đàn ông hay phụ nữ khiến họ có đủ khả năng, hoặc không. Nhiều phụ nữ ngày nay đã may mắn được trao lại những quyền của con người và vì vậy có thể có cái thứ xa xỉ gọi là sự công minh: chúng ta thậm chí còn thấy công minh là cần thiết. Chúng ta cũng không giống như những đàn chị đã chiến đấu trước kia: về cơ bản chúng ta đã giành chiến thắng: trong những cuộc bàn luận gần đây về vị trí của phụ nữ, Liên Hợp Quốc không ngừng đanh thép đòi bình đẳng giới; không ít người trong chúng ta không bao giờ thấy nữ tính của mình là phiền phức hay cản trở; nhiều vấn đề của phụ nữ được ta xem xét một cách khái quát chứ không nhìn dưới con mắt cá nhân: chính việc giữa khoảng cách này khiến ta có thể hy vọng là chúng ta đủ khách quan. Mặt khác, chúng ta lại hiểu cặn kẽ hơn đàn ông về thế giới phụ nữ bởi nơi đó chính là cội rễ của chúng ta: ta nắm bắt nhanh nhạy hơn việc là phụ nữ có ý nghĩa gì và chúng ta mong muốn tìm hiểu điều đó hơn. Tôi đã nói là có vấn đề thiết yếu hơn; nhưng câu hỏi này vẫn luôn là quan trọng trong mắt chúng ta: việc là phụ nữ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của chúng ta? Chính xác là chúng ta có được những cơ hội gì và bị từ chối những gì? Điều gì đang chờ đợi những em gái còn trẻ tuổi của chúng ta, và chúng ta phải hướng dẫn họ như thế nào? Có thể dễ dàng nhận thấy tất cả nền văn học nữ ngày nay được định hướng bởi sự tỉnh táo hơn là mong muốn đòi hỏi quyền lợi; thoát khỏi thời kỳ tranh cãi rối ren, cuốn sách này là một trong những thử nghiệm để đánh giá tình hình hiện tại.

Nhưng chắc chắn không thể xem xét bất cứ vấn đề nào của nhân loại một cách hoàn toàn khách quan: ngay từ cách đặt câu hỏi, cách nhìn nhận vấn đề đã kéo theo việc sắp xếp thứ bậc các mối quan tâm; mỗi đặc điểm đều bao hàm những giá trị; không một miêu tả được cho là khách quan nào lại không dựa vào một nền tảng đánh giá đúng sai. Thay vì che giấu những nguyên tắc ít nhiều được ngầm hiểu, tốt hơn hết là đưa ra những nguyên tắc ấy ngay từ đầu; như vậy ta sẽ không phải nhắc đi nhắc lại nghĩa của những từ như: hơn, kém, tốt hơn, tồi hơn, phát triển, suy thoái… Nếu điểm qua một vài tác phẩm viết về phụ nữ, chúng ta sẽ thấy quan điểm được sử dụng nhiều nhất là lợi ích cộng đồng, giá trị chung: trên thực tế, mỗi người lại hiểu lợi ích xã hội theo cách mà họ muốn duy trì hay xây dựng xã hội. Đối với tôi, tôi cho rằng chẳng có lợi ích chung nào mà không đến từ việc đảm bảo lợi ích riêng của mỗi công dân; tôi đánh giá các thể chế theo những cơ hội cụ thể mà mỗi cá nhân nhận được. Nhưng tôi không lẫn lộn giữa lợi ích cá nhân với hạnh phúc: điều này ta đã thấy rất nhiều; những người phụ nữ phụ thuộc đàn ông liệu có hạnh phúc hơn người phụ nữ có quyền bầu cử? Người phụ nữ nội trợ có hạnh phúc hơn phụ nữ đi làm? Ta khó có thể biết hạnh phúc có nghĩa là gì và càng khó để biết hạnh phúc bao gồm những giá trị thực thụ nào; không có cách nào có thể đo đếm được hạnh phúc của người khác và ta luôn dễ dàng nói người khác hạnh phúc khi chính ta bắt họ phải chịu cảnh đó; đặc biệt là ta vẫn nói những người an phận là hạnh phúc, bởi ta coi hạnh phúc là không thay đổi. Vì vậy tôi sẽ không lấy hạnh phúc làm tiêu chuẩn. Quan điểm mà tôi sẽ áp dụng là đạo đức hiện sinh. Tất cả các chủ thể đều khẳng định mình một cách cụ thể qua những mục tiêu như là sự đột phá; mỗi chủ thể chỉ có thể đạt được tự do bằng cách không ngừng đạt được những tự do mới; sự tồn tại của mỗi chủ thể chỉ được khẳng định bằng cách tiến lên về phía một tương lai rộng mở vô hạn. Mỗi lần chủ thể không thể đột phá và trở lại thế trì trệ, sự tồn tại của chủ thể lại bị hạ xuống thành “chính nó”, tự do biến thành sự việc. Cú ngã này là một sai lầm đạo đức nếu chủ thể đồng ý bị hạ xuống, nhưng nếu đó là do chủ thể bị tác động, đó sẽ là sự đàn áp và sẽ tạo ra uất ức; cả hai trường hợp đều là tội ác. Tất cả những cá nhân trăn trở về mục đích của sự tồn tại của mình đều cảm thấy để tồn tại cần phải không ngừng mong muốn vượt lên chính mình. Thế nhưng, định nghĩa dành riêng hoàn cảnh người phụ nữ lại là, với tư cách là con người, một chủ thể tự do độc lập, phụ nữ khám phá chính mình và đưa ra lựa chọn trong một thế giới mà đàn ông áp đặt họ vào vị trí cái Khác: phụ nữ bị giữ lại ở vị trí đồ vật, và phải chịu ở thế trì trệ, bởi mỗi sự đột phá của phụ nữ đều bị vượt qua bởi một ý thức thiết yếu và tối thượng khác. Bi kịch của phụ nữ, đó là sự đối chọi giữa đòi hỏi cơ bản của tất cả các chủ thể vốn luôn đặt mình là thứ thiết yếu và hoàn cảnh của phụ nữ khiến họ bị coi là không thiết yếu. Một con người, khi là phụ nữ, sẽ phải làm thế nào để hoàn thiện mình? Có những cánh cửa nào mở ra cho họ? Những cánh cửa nào sẽ chẳng dẫn đến đâu? Làm sao để tìm lại sự độc lập khi ta đang ở trong thế phụ thuộc? Những hoàn cảnh nào sẽ hạn chế tự do của phụ nữ và liệu phụ nữ có thể vượt qua được không? Đây là những câu hỏi cơ bản mà tôi muốn làm rõ. Khi tôi nói tôi quan tâm tới các cơ hội của mỗi cá nhân, tôi định nghĩa những cơ hội này không phải bằng hạnh phúc, mà bằng sự tự do.

Đương nhiên là sẽ không có sự tự do nào khi số phận của người phụ nữ còn bị đè nặng về mặt sinh lý, tâm lý và kinh tế. Vì vậy phần đầu sách tôi sẽ bàn về phụ nữ dưới quan điểm sinh học, phân tâm học và duy vật lịch sử. Sau đó tôi sẽ nói về cách “thực tế của phụ nữ” được hình thành, tại sao phụ nữ lại bị coi là cái Khác và hệ quả của việc này theo quan điểm của đàn ông. Phần tiếp theo tôi sẽ miêu tả thế giới mà phụ nữ được trao cho từ cái nhìn của chính phụ nữ; và chúng ta có thể hiểu phụ nữ phải gặp khó khăn như thế nào vào lúc này, khi họ đang cố gắng thoát khỏi giới hạn được chỉ định từ trước tới nay và tham gia vào cộng đồng nhân loại.

Leave a Reply

Your email address will not be published.